Thứ Ba, 8 tháng 11, 2016

Giữa tiềm lực kinh tế và tiềm lực kinh tế quân sự có mối quan hệ với nhau như thế nào?

          Trả lời:
Tiềm lực kinh tế quân sự là một bộ đặc biệt của tiềm lực kinh tế, do đó nó có mối quan hệ biện chứng với tiềm lực kinh tế, một mặt nó phụ thuộc vào tiềm lực kinh tế, mặt khác, nó có vai trò tác động trở lại đối với tiềm lực kinh tế.
          Sự phụ thuộc của tiềm lực kinh tế quân sự vào tiềm lực kinh tế được thể hiện trên các nội dung cơ bản sau đây:

          Một là, Quy mô và trình độ của lực lượng sản xuất quyết định quy mô, số lượng, chất lượng, cơ cấu của tiềm lực kinh tế quân sự.
          Nền sản xuất nhỏ, lạc hậu, dựa trên kỹ thuật thủ công, phân tán, tự cung, tự cấp sẽ không có một tiềm lực kinh tế quân sự mạnh, không thể có một cơ cấu kinh tế quân sự với đầy đủ các thành tố có thể đáp ứng nhu cầu đa dạng của các hoạt động quân sự trong chiến tranh hiện đại. Ngược lại, một nền sản xuất hiện đại với công nghệ tiên tiến, qui mô lớn sẽ làm ra số lượng của cải vật chất nhiều, chất lượng tốt; cơ cấu kinh tế chuyển biến theo hướng tiến bộ, cơ cấu sản phẩm đa dạng... sẽ có điều kiện xây dựng tiềm lực kinh tế quân sự mạnh, có qui mô lớn, số lượng nhiều, chất lượng tốt, cơ cấu hợp lý.  
          Hai là, tính chất của quan hệ sản xuất qui định mục đích xây dựng tiềm lực kinh tế quân sự và khả năng huy động các nguồn lực để xây dựng tiềm lực kinh tế quân sự.
          Ở các nước đế quốc, do nền kinh tế dựa trên chế độ tư nhân tư bản chiếm hữu về tư liệu sản xuất, vì mục đích chạy theo lợi nhuận và sự thống trị của chế độ tư bản chủ nghĩa, nên việc xây dựng tiềm lực kinh tế quân sự là để phục vụ cho các cuộc chiến tranh xâm lược hòng nô dịch và bóc lột các dân tộc khác, cũng như đàn áp phong trào đấu tranh của quần chúng lao động trong nước. Mục đích đó đã hạn chế khả năng huy động tối đa các nguồn lực của nền kinh tế để phát triển tiềm lực kinh tế quân sự. Trái lại, ở các nước xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế dựa trên chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, với mục đích phục vụ cho mọi thành viên trong xã hội, do đó tiềm lực kinh tế quân sự được xây dựng và phát triển ở mức độ cần thiết để đáp ứng nhu cầu bảo vệ Tổ quốc chứ không phải để thực hiện chiến tranh xâm lược. Mục đích đó tạo sự thống nhất về lợi ích của các tầng lớp dân cư trong xã hội, cho phép Nhà nước xã hội chủ nghĩa có thể xây dựng và tăng cường tiềm lực kinh tế quân sự theo kế hoạch, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng, thực hiện cùng một lúc hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
 Tiềm lực kinh tế quân sự tác động trở lại đối với tiềm lực kinh tế trên các nội dung cơ bản sau đây:
          Một là, tiềm lực kinh tế quân sự mạnh là cơ sở để xây dựng sức mạnh quân sự mạnh, tạo khả năng răn đe đối phương, ngăn ngừa chiến tranh, bảo vệ môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển tiềm lực kinh tế đất nước.
          Hai là, ở nhiều nước có tiềm lực kinh tế quân sự mạnh, thông qua xuất khẩu vũ khí trang bị kỹ thuật quân sự đã góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu ngân sách nhà nước, tăng kim ngạch xuất khẩu.
          Ba là, nếu phát triển tiềm lực kinh tế quân sự một cách quá mức cần thiết, nhất là trong điều kiện hoà bình, sẽ gây cản trở cho việc xây dựng và phát triển tiềm lực kinh tế đất nước.

          Để phát triển tiềm lực kinh tế quân sự của đất nước cần phải chú trọng phát triển cả lực lượng sản xuất và xây dựng hệ thống quan hệ sản xuất phù hợp. Đối với nước ta hiện nay, phải đẩy mạnh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển lực lượng sản xuất gắn kết chặt chẽ với xây dựng hệ thống quan hệ sản xuất theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Thực hiện nhất quán chính sách phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo và cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân. Trên cơ sở đó, phải xây dựng được hệ thống kiến trúc thượng tầng tiên tiến nhằm hình thành cơ chế huy động có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế và xây dựng tiềm lực kinh tế quân sự đủ sức đáp ứng nhu cầu hoạt động của các lực lượng vũ trang.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét